Visa Schengen – Những điều quan trọng nhất cần biết

Visa Schengen là một loại visa ngắn ngày cho phép người sở hữu có thể tự do lưu trú và đi lại trong 27 quốc gia châu Âu thuộc khối Schengen. Bài viết này cung cấp thông tin chi tiết về loại visa đặc biệt này cho những người có dự định đi du lịch Châu Âu. Tất cả thông tin trong bài viết được chọn lọc từ Chính sách Visa Schengen đăng tải trên website chính thức của Liên minh Châu Âu (EU).

2 loại Visa Schengen

Visa Schengen có 2 loại hình là visa lưu trú (stay visa) và visa quá cảnh (transit visa), cho phép người sở hữu visa:

  • Quá cảnh hoặc lưu trú có mục đích tại các nước trong vùng Schengen trong thời gian tối đa 90 ngày trong thời hạn 180 ngày bất kỳ. Đây gọi là “visa lưu trú ngắn hạn” (“short stay visa”).
  • Quá cảnh tại khu vực quá cảnh quốc tế ở các sân bay trong vùng Schengen. Đây gọi là “visa quá cảnh tại sân bay” (“airport transit visa”).

Ai phải xin Visa Schengen?

EU quy định danh sách các quốc gia bắt buộc phải xin Visa Schengen và các quốc gia không phải xin, cũng như các quy định riêng của từng nước trong khối Schengen.

Visa lưu trú ngắn hạn (short stay visa)

Công dân Việt Nam bắt buộc phải xin Visa lưu trú ngắn hạn tại Schengen. Bạn có thể download danh sách quốc gia bắt buộc và không bắt buộc xin Visa lưu trú tại đây. Một số nước trong khối Schengen còn có những hạn chế riêng đối với các trường hợp xin visa, Bạn có thể download các trường hợp cập nhật tại đây.

Visa quá cảnh tại sân bay (airport transit visa)

Công dân Việt Nam không phải xin loại visa này khi quá cảnh tại các sân bay thuộc vùng Schengen.

Xin Visa Schengen ở đâu và như thế nào?

Bạn có thể làm thủ tục xin Visa Schengen tại Lãnh sự quán của nước mà Bạn muốn tới. Trong trường hợp Bạn muốn đi du lịch tới nhiều nước trong khối Schengen, Bạn phải xin visa tại nước mà Bạn sẽ ở lại thời gian lâu nhất.

Trường hợp Bạn du lịch tới nhiều nước Schengen và lưu trú tại mỗi nước với thời gian bằng nhau, Bạn phải xin visa tại Lãnh sự quán của nước mà Bạn sẽ đặt chân đến đầu tiên.

Theo quy định chung, Bạn phải xin visa tại Lãnh sự quán có thẩm quyền lãnh thổ ở quốc gia mà Bạn đang cư trú hợp pháp. Nếu Bạn gặp khó khăn với việc này, ví dụ trường hợp không có Lãnh sự quán của nước Schengen mà Bạn muốn tới, Bạn nên liên hệ với các cơ quan trung ương như Bộ Ngoại Giao (Ministry of Foreign Affairs) hoặc Văn phòng Nhập cư (Immigration Office) của nước đó. Từ đây Bạn có thể biết được nước Schengen mà Bạn muốn tới có được đại diện bởi một nước khác tại quốc gia Bạn đang cư trú hay không.

Bạn có thể kiểm tra các Lãnh sự quán có mặt tại quốc gia của Bạn, hoặc các Lãnh sự quán đại diện cho nước Schengen mà Bạn muốn tới tại danh sách này.

Theo nguyên tắc, đơn xin visa phải được nộp cho Lãnh sự quán tối thiểu 15 ngày trước chuyến đi dự định và không thể được nộp sớm hơn 3 tháng trước ngày bắt đầu chuyến đi. Bạn có thể phải đặt lịch hẹn trước khi nộp đơn xin visa.

Thông tin chi tiết về quy trình nộp đơn xin Visa Schengen có thể xem tại website riêng của mỗi nước trong vùng Schengen. Có thể download danh sách các website đó tại đây.

Các giấy tờ cần thiết khi xin Visa Schengen

Bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau để nộp đơn xin Visa Schengen:

  • 1 hộ chiếu (passport) có tối thiểu 2 trang trắng. Hộ chiếu này phải được cấp trong vòng 10 năm kể từ ngày xin visa. Hộ chiếu này phải còn hiệu lực ít nhất 3 tháng sau ngày Bạn dự định sẽ rời khỏi một nước Schengen, hoặc, nếu chuyến đi tới nhiều nước Schengen, sau ngày Bạn dự định sẽ rời khỏi nước cuối cùng trong chuyến đi.
  • 1 mẫu xin visa được ghi đầy đủ thông tin yêu cầu và ký tên. Bạn có thể download mẫu xin visa tại đây. Lưu ý là mỗi người trong chuyến du lịch của Bạn cần phải khai một mẫu xin visa riêng. Mẫu xin visa cho trẻ em dưới 18 tuổi cần phải được ký bởi cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em đó.
  • 1 hình nhận diện gần nhất theo tiêu chuẩn ICAO (The International Civil Aviation Organization – Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế). Bạn có thể xem ví dụ hình nhận diện đúng và sai tiêu chuẩn tại đây.
  • Tại quốc gia nơi Hệ thống Thông tin Visa (Visa Information System) được thực hiện, dấu vân tay của Bạn sẽ được thu thập khi Bạn nộp đơn xin visa (ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt).
  • 1 lệ phí xin visa phải được chi trả khi Bạn nộp đơn xin visa. Bạn có thể xem chi tiết tại đây.
  • 1 phí dịch vụ phải được chi trả nếu Bạn được yêu cầu nộp đơn xin visa tại văn phòng của một nhà cung cấp dịch vụ.
  • 1 bảo hiểm du lịch quốc tế bao gồm cấp cứu y tế khẩn cấp, nằm viện và hồi hương (bao gồm cả trường hợp tử vong). Số tiền bảo hiểm tối thiểu là 30.000 EUR. Bảo hiểm này phải có hiệu lực trên toàn bộ khu vực Schengen và trong suốt thời gian lưu trú tại Schengen.
  • Các giấy tờ khác liên quan đến mục đích của việc lưu trú, bằng chứng về phương tiện hỗ trợ trong suốt chuyến đi và nơi ăn nghỉ của Bạn.

Danh sách tất cả các giấy tờ kể trên có thể được tư vấn tại website của Lãnh sự quán. Trong suốt quá trình cấp visa, khi cần thiết, Lãnh sự quán có thể yêu cầu Bạn cung cấp thêm thông tin hoặc giấy tờ bổ sung hoặc liên hệ với Bạn để thực hiện phỏng vấn.

Quy trình cấp Visa Schengen

Theo quy định chung, quyết định cấp Visa Schengen phải được Lãnh sự quán thực hiện trong vòng 15 ngày.

Khoảng thời gian này, trong những trường hợp cụ thể, có thể kéo dài đến 30 ngày, hoặc ngoại lệ là 60 ngày, nếu có yêu cầu kiểm tra chi tiết đơn xin visa của Bạn hoặc các giấy tờ bổ sung.

Một số nước Schengen yêu cầu rằng họ phải được tư vấn về các đơn xin visa nộp cho các quốc gia Schengen khác bởi các công dân của một số quốc gia. Quá trình tư vấn có thể kéo dài tới 7 tuần. Hiện tại việc tư vấn này được yêu cầu đối với công dân của các quốc gia trong danh sách này (Lưu ý: Việt Nam có tên trong danh sách này).

Tương tự, một nước Schengen có thể yêu cầu được thông báo khi một Visa Schengen được cấp cho công dân của một quốc gia trong danh sách này.

(Mẫu visa Schengen)

Cách đọc Visa Schengen

“DURATION OF STAY………DAYS” (THỜI GIAN LƯU TRÚ………..NGÀY) quy định số ngày Bạn có thể lưu trú trong khu vực Schengen. Số ngày được tính từ ngày Bạn vào khu vực Schengen (được xác định bằng dấu nhập cảnh trong hộ chiếu) đến ngày Bạn rời khỏi khu vực Schengen (được xác định bằng dấu xuất cảnh trong hộ chiếu).

Khoảng thời gian giữa “FROM …UNTIL” (TỪ … ĐẾN) thường dài hơn số ngày được in trong “DURATION OF STAY”. Sự khác nhau này nhằm mục đích mang đến cho Bạn sự linh hoạt khi lên kế hoạch cho việc đi vào và ra khỏi khu vực Schengen, miễn là thời gian lưu trú của Bạn không được vượt quá con số chính xác ghi trên “DURATION OF STAY”. Không cần biết là Bạn sẽ ở trong khối Schengen bao nhiêu ngày, Bạn phải rời đi không trễ hơn ngày được in tại “UNTIL”.

Nhập cảnh và cư trú trong khối Schengen

Visa lưu trú ngắn hạn của Bạn không tự động cho phép Bạn nhập cảnh vào khối Schengen. Tại biên giới hoặc các khu vực kiểm soát khác, Bạn có thể phải cung cấp thông tin như các phương tiện hỗ trợ, số ngày Bạn dự định lưu trú trong khối Schengen, và tại sao Bạn lại đến khối Schengen.

Trong một số trường hợp, việc kiểm tra này có thể dẫn đến việc từ chối (nghĩa là không cho phép) người mang Visa Schengen nhập cảnh vào nước Schengen hoặc khối Schengen.

Vì vậy có khuyến cáo rằng Bạn phải mang theo mình bản photo tất cả các giấy tờ mà Bạn đã nộp khi xin visa (ví dụ: thư mời, xác nhận du lịch, các giấy tờ khác chứng minh mục đích việc lưu trú của Bạn). Các giấy tờ này sẽ giúp quy trình kiểm soát ở biên giới diễn ra nhanh hơn và tránh việc trì hoãn ở biên giới.

Định nghĩa lưu trú ngắn hạn (short stay) dành cho công dân không thuộc Liên minh Châu Âu EU là “90 ngày trong thời hạn 180 ngày bất kỳ”. Công cụ tính toán lưu trú ngắn hạn (short-stay calculator) có thể được sử dụng để xác định thời hạn lưu trú được phép. Công cụ này có một Hướng dẫn sử dụng cung cấp thông tin về những quy định, cách sử dụng công cụ tính toán và những ví dụ thực tế.

Từ chối Visa Schengen và kháng cáo

Quyết định từ chối Visa Schengen và những lý do của việc từ chối được ghi nhận bằng một mẫu giấy tờ tiêu chuẩn. Quyết định từ chối visa bắt buộc phải bao gồm những lý do từ chối, quy trình và thời hạn cuối (deadlines) để nộp đơn kháng cáo.

Để có thông tin về quy trình kháng cáo, Bạn cần phải liên lạc với Bộ Ngoại Giao của nước Schengen mà Bạn dự định tới.

Vui lòng dẫn nguồn baohiemdulichliberty.com khi sử dụng thông tin từ trang này. Xin cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Liên hệ ngay