Những câu hỏi thường gặp về Visa Schengen

Đây là danh sách trả lời chi tiết những câu hỏi thường gặp về Visa Schengen từ website chính thức của Liên minh Châu Âu EU. Bạn có thể download bản tiếng Anh tại đây hoặc đặt câu hỏi mới trong phần bình luận ở cuối trang, chúng tôi sẽ trợ giúp Bạn!

Xin lưu ý: Những câu hỏi và trả lời dưới đây là thông tin chung. Những thông tin này không được xem là tiêu chuẩn cho cá nhân hoặc một trường hợp cụ thể nào, và do đó không nên được xem là lời khuyên cho việc tư vấn cá nhân, chuyên nghiệp hoặc mang tính pháp lý. Nếu Bạn có yêu cầu tư vấn cá nhân hoặc tư vấn cụ thể, hãy liên hệ với các cơ quan chuyên trách của nước Schengen mà Bạn muốn tới.

Hỏi đáp về Visa Schengen

Những nước nào thuộc Khu vực Schengen hay Khối Schengen (Schengen Area)?

Khối Schengen bao gồm 26 nước (gọi là “Schengen States”) và giữa các nước này không có kiểm soát biên giới (border control). Các nước này là: Austria, Belgium, the Czech Republic, Denmark, Estonia, Finland, France, Germany, Greece, Hungary, Iceland, Italy, Latvia, Liechtenstein, Lithuania, Luxembourg, Malta, the Netherlands, Norway, Poland, Portugal, Slovakia, Slovenia, Spain, Sweden và Switzerland. Các nước này áp dụng một chính sách chung cho các visa lưu trú ngắn hạn (short stay visas). Bạn có thể xem thêm bài viết chi tiết về các nước Schengen tại đây.

Visa Schengen là gì?

• Là Visa Quá cảnh hoặc Lưu trú có mục đích tại các nước trong vùng Schengen trong thời gian tối đa 90 ngày trong thời hạn 180 ngày bất kỳ. Đây gọi là “visa lưu trú ngắn hạn” (“short stay visa”).
• Là Visa Quá cảnh tại khu vực quá cảnh quốc tế ở các sân bay trong vùng Schengen. Đây gọi là “visa quá cảnh tại sân bay” (“airport transit visa”).

Nói chung, visa này cho phép Bạn đến thăm bất kỳ nước nào trong Khu vực Schengen trong cùng một chuyến đi, miễn là trong thời hạn cho phép trong visa.

Visa Schengen sẽ không phù hợp nếu Bạn muốn ở lại một nước Schengen lâu hơn 90 ngày, ví dụ để làm việc, kinh doanh, mua bán hoặc thực hiệncông việc chuyên môn.

Xem thêm thông tin chi tiết về Visa Schengen tại đây.

Tôi có cần visa để đến một nước Schengen?

Hãy xem phần “Ai phaiir xin Visa Schengen?” tại link này hoặc bản tiếng Anh tại đây.

Tôi là một thành viên gia đình của một công dân EU (a family member of an EU-citizen). Những yêu cầu tiêu chuẩn có áp dụng đối với tôi không?

Thành viên gia đình của các công dân EU đã thực hiện quyền tự do đi lại (nghĩa là công dân EU cư trú hoặc đi đến một quốc gia thành viên khác ngoài quốc gia của mình) được hưởng lợi từ các thủ tục nhất định. Các tiêu chí cơ bản như sau:
• công dân EU đã thực hiện quyền tự do đi lại của mình.
• thành viên gia đình (người nộp đơn) thuộc một trong các loại được quy định trong Chỉ thị 2004/38/EC.
• thành viên gia đình (người nộp đơn) đi cùng với công dân EU hoặc tham gia cùng người này tại điểm đến là một nước Schengen.
Để biết thêm thông tin, Bạn có thể tham khảo tại đây.

Tôi nộp đơn xin visa ở đâu?

Bạn có thể làm thủ tục xin Visa Schengen tại Lãnh sự quán của nước mà Bạn muốn tới. Trong trường hợp Bạn muốn đi du lịch tới nhiều nước trong khối Schengen, Bạn phải xin visa tại nước mà Bạn sẽ ở lại thời gian lâu nhất.

Trường hợp Bạn du lịch tới nhiều nước Schengen và lưu trú tại mỗi nước với thời gian bằng nhau, Bạn phải xin visa tại Lãnh sự quán của nước mà Bạn sẽ đặt chân đến đầu tiên.

Theo quy định chung, Bạn phải xin visa tại Lãnh sự quán có thẩm quyền lãnh thổ ở quốc gia mà Bạn đang cư trú hợp pháp.

Để biết thêm thông tin, Bạn có thể tham khảo tại đây.

Tôi có thể vào khu vực Schengen ở nước X, trong khi Visa được cấp bởi một nước Schengen Y?

Theo quy định chung, Bạn có thể đi qua tất cả biên giới Schengen với visa được cấp bởi bất kỳ nước Schengen nào. Tuy nhiên, Visa lưu trú ngắn hạn không tự động cho phép Bạn nhập cảnh vào khối Schengen.

Tôi có thể ở lại khu vực Schengen bao nhiêu ngày theo tiêu chuẩn visa?

Visa Schengen là loại visa lưu trú ngắn hạn và có dạng một nhãn dán vào giấy tờ du lịch. Định nghĩa của “lưu trú ngắn hạn” (short stay) là “90 ngày trong thời hạn 180 ngày bất kỳ” (90 days in any 180 days period). Điều này có nghĩa là tổng thời gian lưu trú tối đa là 90 ngày trong thời hạn 180 ngày bất kỳ.

Khoảng thời gian hiệu lực của visa của Bạn được ghi trên nhãn dán visa ở mục “Duration of visit”.

Với visa nhập cảnh một lần (single-entry visa), Bạn chỉ được nhập cảnh vào Khối Schengen 1 lần. Điều này được ghi trên nhãn dán visa ở mục “Number of entries” bằng số “1”. Visa nhập cảnh 2 hoặc nhiều lần (two-entry visa hoặc multiple-entry visa) cho phép Bạn được nhập cảnh một vài lần trong thời hạn hiệu lực của visa. Điều này được ghi bằng số “2” hoặc viết tắt “MULT” trên nhãn dán visa ở mục “Number of entries”.

Để biết thêm thông tin, Bạn có thể tham khảo tại đây.

Thời gian cấp visa theo quy trình là bao nhiêu ngày?

Theo quy định chung, khi đơn xin visa đã được nộp cho Lãnh sự quán, quyết định cấp visa phải được thực hiện trong vòng 15 ngày. Khoảng thời gian này có thể kéo dài đến 30 ngày hoặc 60 ngày.

Để biết thêm thông tin, Bạn có thể tham khảo tại đây.

Tôi có thể nộp đơn xin visa trước bao nhiêu ngày kể từ ngày dự định khởi hành chuyến đi?

Đơn xin visa có thể được nộp không sớm hơn 3 tháng kể từ ngày dự định khởi hành chuyến đi.

Đơn xin visa cần được nộp trước tối thiểu 15 ngày kể từ ngày dự định khởi hành chuyến đi.

Tuy nhiên, có khuyến cáo rằng khi nộp đơn xin visa Bạn nên tính đến những ngày nghỉ lễ của nước Schengen Bạn dự định đến và của quốc gia nơi bạn nộp đơn.

Người mang visa nhập cảnh nhiều lần (multiple-entry visa, có hiệu lực trong thời hạn ít nhất 6 tháng) có thể nộp đơn xin visa mới trước ngày hết hạn.

Lệ phí xin visa là bao nhiêu?

Lệ phí chung là 60 EUR cần được nộp chung với đơn xin visa. Lệ phí xin visa cho trẻ em từ 6 đến 12 tuổi là 35 EUR.

Đối với những quốc gia đã ký với EU Hiệp định Tạo thuận lợi Visa (Visa Facilitation Agreements), lệ phí cho người nộp đơn xin visa Schengen là 35 EUR. Bạn có thể xem danh sách các nước đã ký Hiệp định này tại đây.

Miễn phí xin visa đối với các trường hợp sau:
• trẻ em dưới 6 tuổi;
• học sinh, sinh viên và giáo viên đi kèm nếu mục đích của việc lưu trú là học tập hoặc đào tạo;
• nhà nghiên cứu từ các nước thứ ba có mục đích thực hiện nghiên cứu;
• người đại diện của các tổ chức phi lợi nhuận dưới 25 tuổi tham gia vào các buổi hộ thảo, hội nghị, các sự kiện giáo dục, văn hóa, thể thao được tổ chức bởi các tổ chức phi lợi nhuận;
• thành viên gia đình của công dân EU/EEA theo chỉ thị Directive 2004/38.

Các nước thành viên Schengen cũng có quy định riêng đối với các trường hợp được miễn lệ phí xin visa. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin này tại Lãnh sự quán khi Bạn dự định nộp đơn xin visa.

Nếu Bạn nộp đơn xin visa tại một nhà dịch vụ bên ngoài, Bạn có thể phải đóng thêm phí dịch vụ.

nhung-cau-hoi-thuong-gap-ve-visa-schengen

Hộ chiếu (Passport) của tôi sẽ hết hạn trong 2 tháng tới. Tôi có thể nộp đơn xin visa Schengen không?

Theo quy định chung thì Bạn không thể. Quy định này yêu cầu rằng ngày hết hạn của hộ chiếu là 3 tháng SAU KHI Bạn xuất cảnh khỏi một nước Schengen. Tuy nhiên, trong những trường hợp khẩn cấp hợp lý, Lãnh sự quán có thể loại bỏ quy định này.

Tôi cần nộp những giấy tờ nào khi nộp đơn xin visa?

Bạn có thể xem danh sách các giấy tờ cần nộp tại đây (tiếng Việt) hoặc tại đây (tiếng Anh).

Visa của tôi được cấp bởi Lãnh sự quán nước Đức. Tôi có thể sử dụng visa này để đến các nước Schengen khác không?

Có thể. Theo các điều luật của Hiệp ước Schengen, Visa Schengen có hiệu lực chung cho tất cả các nước trong Khu vực Schengen (hay Khối Schengen). Tuy nhiên, hãy lưu ý là Bạn phải nộp đơn xin visa tại Lãnh sự quán của nước mà Bạn muốn đến chính (điểm đến chính). Hiệu lực lãnh thổ của visa được chỉ định trên nhãn visa tại mục “Valid For” (Hiệu lực cho). Bạn có thể tìm hiểu cách đọc thông tin trên visa ở link này (tiếng Việt) hoặc link này (tiếng Anh).

Tôi có thể rời khỏi Khu vực Schengen và quay trở lại lần nữa không?

Visa Schengen có thể cho phép nhập cảnh 1 lần hoặc nhiều lần. Với visa nhập cảnh một lần (single-entry visa), Bạn chỉ được nhập cảnh vào Khối Schengen 1 lần. Điều này được ghi trên nhãn dán visa ở mục “Number of entries” bằng số “1”.

Visa nhập cảnh 2 hoặc nhiều lần (two-entry visa hoặc multiple-entry visa) cho phép Bạn được nhập cảnh một vài lần trong thời hạn hiệu lực của visa .

Tôi có visa lưu trú dài hạn (long stay visa) hoặc giấy phép cư trú (residence permit) còn hiệu lực của một nước trong Khối Schengen. Tôi có phải xin visa khác để đi du lịch đến một nước Schengen khác?

Không cần. Visa lưu trú dài hạn hoặc giấy phép cư trú do một nước Schengen cấp cho phép Bạn đi du lịch hoặc lưu trú trong tất cả các nước Schengen khác, chỉ cần tuân thủ quy định về “lưu trú ngắn hạn” (“lưu trú 90 ngày trong thời hạn 180 ngày bất kỳ”).

Tôi có phải cung cấp các giấy tờ khác ngoài các giấy tờ du lịch và Visa Schengen tại biên giới ngoài Khu vực Schengen?

Visa lưu trú ngắn hạn của Bạn không tự động cho phép Bạn nhập cảnh vào khối Schengen. Tại biên giới hoặc các khu vực kiểm soát khác, Bạn có thể phải cung cấp thông tin như các phương tiện hỗ trợ, số ngày Bạn dự định lưu trú trong khối Schengen, và tại sao Bạn lại đến khối Schengen. Vì vậy có khuyến cáo rằng Bạn phải mang theo mình bản photo tất cả các giấy tờ mà Bạn đã nộp khi xin visa (ví dụ: thư mời, xác nhận du lịch, các giấy tờ khác chứng minh mục đích việc lưu trú của Bạn).

Tôi có chuyến bay nối tiếp có điểm dừng quá cảnh tại sân bay của một nước Schengen. Tôi có phải xin visa quá cảnh sân bay hoặc visa lưu trú ngắn hạn không?

Quan trọng là phải phân biệt rõ ràng 2 trường hợp:
• Quá cảnh tại Khu vực quá cảnh quốc tế (International Transit Zone) của một sân bay (Bạn không rời khỏi Khu vực quá cảnh quốc tế của sân bay).
• Quá cảnh thông qua địa phận của một nước Schengen mặc dù giới hạn trong một sân bay (Bạn rời khỏi Khu vực quá cảnh quốc tế của sân bay).

Visa quá cảnh sân bay (airport transit visa – ATV) cho phép Bạn quá cảnh tại khu vực quá cảnh quốc tế tại một sân bay thuộc lãnh thổ của một nước Schengen và để chờ chuyến bay nối tiếp đến một nước không nằm trong Khối Schengen. Visa ATV không cho phép Bạn nhập cảnh vào lãnh thổ Schengen (ví dụ: để ở lại khách sạn hoặc để bắt chuyến bay khác để đến một nước Schengen khác).

Du lịch đến một nước Schengen thông qua sân bay của một nước Schengen khác không được xem là quá cảnh sân bay, du lịch đến một nước không thuộc khối Schengen thông qua sân bay của 2 nước Schengen cũng không được xem là quá cảnh sân bay. Tất cả chuyến bay giữa 2 nước Schengen hoặc nhiều hơn đều được xem là các chuyến bay nội địa (“domestic”). Phụ thuộc vào quốc tịch của Bạn, Bạn phải cần một visa lưu trú ngăn hạn khi nhập cảnh vào Khu vực Schengen – ngay cả khi việc lưu trú này chỉ kéo dài vài giờ và Bạn chỉ ở tại sân bay (ngoài khu vực quá cảnh quốc tế).

Visa của tôi có thể được gia hạn không?

Khi xin gia hạn visa, Bạn phải chứng minh được lý do gia hạn là do bất khả kháng hoặc do những lý do nhân đạo hoặc do những lý do cá nhân nghiêm trọng khiến Bạn không thể rời khỏi Khu vực Schengen trước ngày hết hạn visa hoặc thời hạn lưu trú cho phép.

Theo quy định, visa chỉ có thể được gia hạn nếu Bạn đã ở trong Khu vực Schengen dưới 90 ngày trong 180 ngày vừa qua và nếu visa hiện tại chưa hết hạn.

Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về gia hạn visa của các nước Schengen tại đây.

Visa của tôi bị từ chối. Tôi phải làm gì? Lệ phí visa có được hoàn lại không?

Bạn có thể kháng cáo chống lại quyết định từ chối visa. Quyết định từ chối visa và lý do từ chối phải được ghi nhận bằng một mẫu giấy tờ tiêu chuẩn tại Lãnh sự quán của nước từ chối visa. Ghi nhận từ chối visa phải bao gồm lý do từ chối, quy trình và thời hạn (deadline) để thực hiện việc kháng cáo.

Khi một nước Schengen đại diện cho một nước Schengen khác thực hiện thủ tục cấp visa (ví dụ: Pháp đại diện cho Hà Lan), đơn kháng cáo phải được gởi cho nước ra quyết định sau cùng, nghĩa là nước đại diện (trong ví dụ này đơn kháng cáo phải được gởi cho Pháp).

Bạn được miễn phí nộp đơn xin visa lại nếu đơn xin trước đó bị từ chối. Tuy nhiên có khuyến cáo rằng Bạn phải ghi chú lý do bị từ chối trước khi nộp đơn mới và thực hiện sửa đổi những chỗ cần thiết.

Lệ phí xin visa không được hoàn trả nếu đơn xin visa bị từ chối. Lệ phí visa đã bao gồm chi phí thẩm định đơn xin visa.

Bạn có câu hỏi khác?

Chúng tôi rất sẵn lòng trợ giúp Bạn giải đáp hoặc tìm thông tin cho những câu hỏi khác ngoài những câu ở trên. Xin vui lòng gởi câu hỏi trong phần Bình luận dưới đây. Xin cám ơn!

Vui lòng dẫn nguồn baohiemdulichliberty.com khi sử dụng thông tin từ trang này. Xin cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

All in one
Liên hệ ngay